Cô gái trẻ, nhỏ nhắn nhưng có một "cơ nghiệp" khá lớn mà không phải người đứng tuổi nào cũng có thể gây dựng được.
"Mình kiếm niềm vui từ công việc của mình làm chứ không phải kiếm tiền" là câu trả lời nhẹ tênh của cô gái Bùi Thị Phương khi được hỏi về thu nhập hàng tháng của mình. Với "cơ ngơi" 1 Trung tâm tiếng anh, 1 nhà hàng Mỳ Ý ở Hà Nội, 1 shop thời trang ở Ninh Bình, hiện tại thu nhập hàng tháng của Phương ít cũng phải tầm trăm triệu. Phương nói kĩ hơn về nguồn thu nhập của mình. "Trước mình có 3 shop thời trang nhưng sang nhượng 2 shop rồi, còn một shop ở Tam Điệp, Ninh Bình. Còn trung tâm Tiếng Anh, mình cũng có thu nhập vài ngàn đô. Có tháng kín phòng và cao điểm thì thu nhập còn tốt hơn."
Tuy nhiên, đó chưa phải là điều thú vị duy nhất từ cô gái đến từ Hòa Bình này.
Profile:
Bùi Thị Phương
Sinh năm 1989, cung Song Tử
Cựu sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh K47 - Đại học Ngoại thương
Hiện đang là Chủ của một Trung tâm Tiếng Anh uy tín, một nhà hàng Mỳ Ý tại Hà Nội, 1 shop thời trang ở Ninh Bình. Kế hoạch gần nhất trong năm 2013 là mở thêm trường Mầm non, Spa và xuất bản cuốn sách đầu tay.
Tuy nhiên, ít ai biết được Phương đã bỏ dở việc học đại học.
Từ ngày đi học phổ thông, tuy là con gái nhưng Phương luôn đứng top trong lớp Chuyên Lý của trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình), điểm tổng kết Toán, Lý của cô thường ở con số khủng - gần như 10 phẩy.Thế nhưng ở những tháng đầu học Đại học, điểm số của Phương thấp, cô đã từng có "scandal" chạy ra khỏi lớp khi đang trong giờ học và khóc nức nở trên đường từ trường về nhà trọ.
Khi biết vì sao Phương khóc có lẽ nhiều bạn sẽ giật mình, hoặc dè bĩu hoặc ngưỡng mộ. Phương khóc bởi theo cô, cô chán chường với những kiến thức được học trên giảng đường ĐH, nói đúng hơn là "vỡ mộng" về một cuộc sống sinh viên được lao đầu vào học và chơi đúng nghĩa.
"Mình nghĩ khi mình nói lý do này, nhiều người sẽ cho rằng mình thể hiện rằng mình ta đây hoặc nghĩ do mình bị điểm thấp rồi đỗ lỗi, nhưng đó là do mình không hứng thú với những gì mà-mình-đang-học-đại-học. Mình nghĩ có lẽ cũng đang nhiều người như mình, chỉ là họ chấp nhận hoặc sau đôi ba câu than vãn rồi lại nghĩ không thay đổi được thực tế, chứ không khóc.
4 tháng đầu của năm nhất ĐH của mình trôi qua rất nhanh nhưng cũng rất chậm. Nhanh là bởi 4 tháng ấy không đọng lại gì trong mình ngoài sự thất vọng, chậm là vì 4 tháng ấy là 4 tháng vật vờ ăn-học không chút hứng thú. Nhiều người bảo, mới 4 tháng đầu sao phải vội vàng, học được gì hay không phải chờ năm Hai, năm Ba ĐH mới thấy rõ chứ. Nhưng mình đã hỏi các anh chị khóa trên là họ thích làm gì, ra trường họ sẽ làm gì thì 95% không ai trả lời được, tất cả đều học để chờ bằng tốt nghiệp và những gì đang học chỉ để cày điểm cho một bằng tốt nghiệp đẹp. Có bằng, ra trường rồi tính.
Và mình không phải như những cô gái điển hình - mong muốn một cuộc sống yên bình với một tấm bằng ĐH, rồi kiếm được một công việc ổn định, lấy chồng tốt, sống an nhàn. Đó không phải là một hy vọng xấu gì nhưng đó là cuộc sống chờ đợi may mắn. Còn mình muốn phải tự tạo vận may cho chính mình, mình muốn tuổi trẻ qua đi mà để sau này nhớ lại không hối tiếc. Mình quyết định khởi nghiệp."
Sau trận khóc ấy, Phương quyết định phải "làm một cái gì đó", bất kể là cái gì để được trải nghiệm từ thực tế, học từ thực tế. Thế là trong khi bạn bè vẫn miệt mài cày điểm số cao, Phương bắt tay vào kinh doanh. Phương chạy vạy khắp nơi, huy động mọi nguồn tiền nhỏ nhất có được và lê la khắp trên mạng, bằng kĩ năng này kĩ năng khác để hỏi được kinh nghiệm mở shop quần áo. Từ 1 shop thời trang trong ngõ nhỏ, đến năm 3 ĐH cô đã mở được 3 shop. Việc mở shop thời trang đối với Phương "không phải để kiếm tiền mà là để kiếm vốn", để xây dựng một cơ nghiệp.
Cuối cùng, đến năm thứ 4 ĐH Phương đã mở một Trung Tâm Tiếng anh và một Nhà hàng Mỳ ý. Bước vào Nhà hàng Mỳ Ý của Phương, nhiều người cảm giác mình đang bước vào cantin sạch đẹp của một ngôi trường ĐH ở đâu đấy chứ không phải ở Việt Nam. Không có một chút không khí xô bồ mua bán, khách ăn chủ yếu là sinh viên và họ đến đây ăn Mỳ với những câu chuyện học hành, lập nghiệp, người ăn có thể thoái mái bày sách ra học, ngồi ở quán hàng tiếng đồng hồ để học mà không hề lo lắng về thời gian. Và giá Mỳ của nhà hàng thì chỉ bằng 1/2 giá của các nhà hàng khác, mặc dù đầu bếp đều là những đầu bếp hàng đầu ở các khách sạn lớn được Phương đến tận nơi xin làm hợp đồng nấu theo giờ.
Nhân viên nhà hàng thân thiện với đồng phục chỉn chu
Điều mà Phương tự hào nhất về nhà hàng của mình đó là khu bếp, bởi khu bếp nhà hàng rất sạch sẽ, Phương rất khắt khe trong việc chế biến, vệ sinh nên luôn đòi hỏi nhân viên phải đảm bảo vệ sinh 100%. Ngoài là bán mỳ ý, thức ăn nhanh, cafe cho sinh viên, nhà hàng của Phương còn là nơi ăn trưa quen thuộc của dân công sở xung quanh khu vực Chùa Láng - Nguyễn Chí Thanh, các Câu lạc bộ của các trường ĐH Luật, Ngoại Thương, Ngoại Giao cũng thường tìm đến nhà hàng của cô để tổ chức sự kiện.
Còn Trung tâm Tiếng Anh của Phương, cô kể với giá khóa học chỉ bằng 1/2 giá thị trường, nhưng giảng viên đều là người nước ngoài có chứng chỉ quốc tế, cơ sở vật chất, giáo trình bài bản. Ở trung tâm Tiếng Anh của Phương còn miễn phí lớp học cho những sinh viên thuộc hộ nghèo. Chúng tôi đến trung tâm Tiếng anh của Phương vào ca học 18h, trung tâm của Phương là một căn hộ chung cư ở Nguyễn Chí Thanh gồm có 4 phòng học, được trang trí rất sinh động và hiện đại. Các phòng học có từ 15-20 học viên, mỗi ca học thường đều có đủ 4 lớp học rất sôi nổi.
Zoom vào một lớp học của Trung tâm
Một trong những giảng viên của lớp học
Giảng viên người nước ngoài chụp hình với học viên của trung tâm
Lớp học được trang trí handmade sinh động
Nghe qua tưởng chừng quá trình khởi nghiệp kinh doanh của Phương cũng nhẹ tênh giống như cách cô nói về thu nhập, tuy nhiên Phương nói:
"Trước khi khởi nghiệp mình cũng được nghe các anh chị chia sẻ nhiều về những khó khăn gặp phải và mình luôn xác định tư tưởng rằng'' Khó khăn lúc nào cũng có, nếu mình bỏ cuộc 1 lần thì mình sẽ rất dễ dàng bỏ cuộc những lần tiếp theo nữa và mình mãi mãi chả làm được gì. Vì thế mình phải tìm mọi cách xoay xở, tìm giải pháp để giải quyết nhanh khó khăn đó. Dần dần thành thói quen hàng ngày và giờ khó khăn đến mình chỉ cười thôi.
Thời gian đầu khi mở Trung tâm Tiếng Anh mình lỗ vốn vì đầu tư ban đầu nhiều, khách hàng chưa có nhiều. Mình chấp nhận lỗ, đến tháng thứ 3 mới bắt đầu ổn định dần."
Ba năm qua, cô bạn nói rằng điều mà cô nhận được nhiều nhất từ công việc kinh doanh, đó là kinh nghiệm, dám đối đầu với khó khăn. Còn nếu nghe ai đó nói rằng con gái như Phương mà ham mê công việc, thành công như thế, thì dễ bị già trước tuổi. Phương chỉ cười, nói: "Nếu ngày trước mình chấp nhận một cuộc sống bằng phẳng, không khởi nghiệp thì bây giờ còn già nhiều đi nữa vì nhàm chán. Nhiều người nói rằng mình máu me kinh doanh, nhưng thực ra mình chỉ "máu me" làm việc để có một cuộc sống đích thực, ý nghĩa, không chờ đợi vào một người đàn ông như phần nhiều các cô gái bây giờ đang nghĩ."
Phương cho biết, những gì cô bạn làm đều nhằm mục đích tạo giá trị tinh thần cho bản thân và cho xã hội và mục tiêu lợi nhuận không đặt lên hàng đầu, luôn mong muốn tạo dựng sự khác biệt. Quan điểm của Phương trong kinh doanh là ''Nếu tạo ra 1 sản phẩm tốt mà giá cao thì thường thôi, nhưng tạo ra những sản phẩm cao cấp mà giá sinh viên mới là điều đáng làm'' . Ngoài ra, khi nhìn vào Phương, ai cũng hiểu vì sao cô nói thế. Một vẻ bề ngoài giản dị, không cầu kỳ kiểu cách, điện thoại, xe Phương dùng đều là những hàng bình dân.
Khi nhìn vào nhiều người sẽ ngưỡng mộ Phương, gia đình và họ hàng rất tự hào và hãnh diện về cô. Thế nhưng đối với Phương, những gì cô làm chưa có lớn cả, bởi những gì mình làm được chỉ là 1 phần nhỏ trong sự nghiệp mà Phương sẽ theo đuổi thôi. Tiếp theo gần nhất sẽ là mở trường mầm non, spa giá mềm cho Sinh viên, 1 chuỗi nhà hàng cao cấp hơn... và nhiều dự án đang ấp ủ nữa. Và tất nhiên, với giá cả dễ chịu nhất. Thành công là thế, nhưng không ai biết, Phương vẫn chưa tốt nghiệp ĐH. Việc kinh doanh bận rộn, khiến cô chưa kịp thi hết môn để ra trường, bất ngờ hơn, nếu tốt nghiệp, bằng ĐH của Phương chỉ là bằng Trung bình.
Mới đây, Phương vừa mở thêm một Trung tâm Tiếng Anh nữa, lo lắng với việc quản lý cả hai Trung tâm, nhưng Phương nói rằng 2 chỉ mới là con số nhỏ trong rất nhiều dự án cô sẽ triển khai sau này nữa. Khi được hỏi về số tiền kiếm được, Phương chia sẻ: hiện tại thì hầu như tiền cô bạn kiếm được dành để phát triển và mở rộng kinh doanh của mình cho hoành tráng và chuyên nghiệp hơn. Còn sau này có nhiều tiền thì 90% tài sản của cô sẽ làm từ thiện và giúp người nghèo. Câu nói chốt tưởng như đùa nhưng lại khiến những ai biết Phương đều thấy tin tưởng: "Mình chắc chắn sau này sẽ rất giàu nên 10% tài sản đủ cho 1 cuộc sống tốt rồi.".
Nguồn kenh14.vn